Nhận xét Đổi Mới

Tại Việt Nam, có thể hiểu khái quát: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kinh tế thị trường, vừa tuân thủ theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa phải theo định hướng của chủ nghĩa xã hội. Có nghĩa là, trong khi chú ý tới tăng trưởng kinh tế, thì hết sức coi trọng tới vấn đề xã hội, xây dựng hệ thống an sinh xã hội và dịch vụ công cộng tốt, bảo đảm công bằng xã hội, hạn chế sự chênh lệch giàu-nghèo, phấn đấu để có nhiều người giàu nhưng đồng thời cũng hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ tình trạng đói nghèo trong nhân dân. Nhà nước phải đóng vai trò hạn chế, khắc phục những mặt trái của chủ nghĩa tư bản và quá trình toàn cầu hóa để nền kinh tế hoạt động có hiệu quả hơn và nâng cao phúc lợi xã hội.

Thực tế quá trình Đổi mới hơn 30 năm qua đã giúp Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc tuy còn nhiều hạn chế cần khắc phục để bảo đảm kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt trội trong khu vực, nhưng vẫn dưới mức tiềm năng[139]. Việt Nam nằm trong số ít quốc gia trên thế giới có chỉ số phát triển con người cao hơn những nước có cùng mức thu nhập. Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đầu tư vào hệ thống y tế và giáo dục[140][141], điều này giúp Việt Nam có tỷ lệ biết chữ và tuổi thọ trung bình khá cao[142][143]. Trình độ y tế và giáo dục của Việt Nam ngày càng tiếp cận gần hơn với trình độ của các nước tiên tiến. Tuy nhiên chi tiêu cho y tế, giáo dục vẫn chưa thật sự hiệu quả[102][103]. Việt Nam thành công trong việc nâng cao mức sống của người dân nhưng hoàn toàn thất bại trong mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020 như Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra khi bắt đầu Đổi mới[144]. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam vào năm 2030[145]. Báo cáo Tổng quan Việt Nam 2035 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người 18.000 USD/năm vào năm 2035[146].

So sánh thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và Trung Quốc (Nguồn: Ngân hàng Thế giới)

Tuy vậy quá trình Đổi mới vẫn đặt ra những vấn đề mới về cả lý luận và thực tiễn. Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trước Đại hội Đảng lần XI cho rằng "Công thức phát triển là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên được hiểu như thế nào cho rõ ràng? Đây là thời điểm mà tôi nghĩ rằng bàn cương lĩnh là bàn đến khái niệm lớn". Sau hơn 30 năm, Đổi mới kinh tế ở Việt Nam vẫn theo kiểu "dò đá qua sông"[147][148]. Trong khi các nước Đông Bắc Á thành công trong việc đề ra đường lối phát triển công nghiệp, can thiệp vào thị trường thì Việt Nam lại thất bại vì Việt Nam không có một bộ máy hành chính công vụ chuyên nghiệp, thuộc giới tinh hoa và độc lập như các nước đó[149]. Ông Vũ Minh Khương khi so sánh Việt Nam và Trung Quốc là hai đất nước có mô hình kinh tế - chính trị tương tự nhau đã nhận xét "Ở Trung Quốc họ có một tầm nhìn xa, muốn có một chương trình hiện đại hóa toàn diện để Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại vào trước năm 2050. Việt Nam thì cải cách trên tình thế bí bách, bị Liên Xô cắt viện trợ và buộc phải tìm con đường đổi mới, cho nên cải cách mang tính chất thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại. Việt Nam thì có những chiến thắng huy hoàng trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nên có thể ỷ lại thắng lợi của những cuộc chiến tranh này để duy trì sự chính danh của mình, cho nên nhiều khi trong cải cách không triệt để, mà chỉ cốt đủ ăn đủ sống. Điều này tạo ra những khiếm khuyết rất căn bản cho cải cách sâu rộng ở Việt Nam. Vì các đặc điểm đó, cho nên lãnh đạo Việt Nam chưa đủ tầm để xác định một chiến lược kỳ vĩ, chẳng hạn như đưa Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường"[126]. Ở Việt Nam thuật ngữ nhà nước kiến tạo trở thành một định hướng cải cách theo đó nhà nước sẽ tạo ra được hệ thống khuyến khích các nguồn lực của xã hội tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển, cung cấp các dịch vụ công chất lượng, tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài[150]. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hình hành một khung khái niệm rõ ràng về nhà nước kiến tạo và có quá nhiều người nói về nhà nước kiến tạo nhưng không ai làm[149][151]. Nhà nước là sản phẩm của xã hội[152] nên nhân dân nào thì chính phủ ấy[153]. Một nhà báo Pháp đã nhận xét "Công bằng mà nói, người Việt Nam các ông đổ lỗi cho chính quyền nhiều quá. Người Pháp chúng tôi có một câu: nhân dân nào, chính phủ đó![153]".

Tình trạng tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội[154] khiến Việt Nam đứng trong nhóm nước có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng[155]. Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo cần tránh "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị"[156]. Việc đàn áp những người chỉ trích khiến nhà nước Việt Nam bị phản đối[157][158]. Theo ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, nếu từng công chức, doanh nhân và người dân không được truyền cảm hứng và khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh, giàu mạnh thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ giống như Indonesia, Philippines hoặc Mexico ngày nay[159]. Những quốc gia phát triển thần kỳ như Singapore hay Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu "khóc trước số phận của dân tộc" đã khiến cả một dân tộc phải cảm kích trước tâm huyết cũng như tầm nhìn của họ[126].

Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: đây là mô hình tự xây dựng, không có khuôn mẫu cụ thể do đó, trong quá trình xây dựng không tránh khỏi khiếm khuyết, phải nhận rõ những khiếm khuyết này và đã từng điều chỉnh trong từng giai đoạn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh mới của Đảng, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với xu thế mới của thời đại, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân; đồng thời phê phán quan điểm của một số người cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay "chẳng giống ai", "chủ nghĩa xã hội bên ngoài nhưng bên trong lại là tư bản"... là cố tình bóp méo sự thật.[160] Tuy nhiên theo đánh giá của ông Vũ Minh Khương "... Việt Nam thua kém rất xa so với Trung Quốc và với nhiều nước khác. Thứ nhất là không có một chiến lược phát triển dài hạn để nhìn thấy đâu là sức mạnh của dân tộc mình, đâu là cơ hội và thách thức trên thế giới, đâu là mục tiêu mà chúng ta sẽ đi tới trong vòng vài thập kỷ nữa. Tất cả đều không rõ. Thứ hai là năng lực học hỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam rất hạn chế; từ việc thu hút nhân tài, đối sánh mình với thế giới ra sao, trong việc thử nghiệm những chính sách dũng cảm, trong việc liên tục đổi mới và cải tiến, lắng nghe nhân dân. Những đặc điểm đó làm đất nước mình ngày càng tụt lùi. Khi năng lực học hỏi được nâng lên, khi chiến lược phát triển kinh tế được hoạch định sắc bén và triệt để thì đất nước sẽ trỗi dậy.[126]"

Từ năm 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong tư duy kinh tế - chính trị. Từ chỗ xem khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo[161], Đảng Cộng sản Việt Nam đã xem khu vực tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế[162]. Tuy nhiên Việt Nam cần cải tiến chất lượng, hiệu quả bộ máy nước; tinh giản thủ tục hành chính; đẩy mạnh cổ phần hóa và có những chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển[163]. Từ chỗ xem dân chủ, nhân quyền chỉ là chiêu bài của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam[164]; nhà nước Việt Nam bắt đầu tạo dựng hình ảnh họ là người đang nỗ lực cải thiện tình trạng dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam[165][166]. Từ chỗ xem Việt Nam Cộng hòa là tay sai, ngụy quân, ngụy quyền một số người cộng sản bắt đầu nói đến hòa giải hòa hợp dân tộc[167][168][169]. Thực tiễn đổi mới ở Việt Nam vừa là kết quả đổi mới tư duy, lại vừa đặt ra những yêu cầu mới cho việc tiếp tục đổi mới tư duy ở trình độ cao hơn[170].

Giáo sư Kenichi Ohno thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản nhận xét tăng trưởng của Việt Nam từ trước đến nay là do vốn và lao động mang lại chứ không dựa trên tăng năng suất lao động. Từ năm 2008, năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng đi xuống do Việt Nam mới chú trọng tăng GDP mà chưa chú trọng tăng năng suất. Thị trường tự do hiện nay tại Việt Nam chưa hiệu quả trong khi đó chỉ riêng thị trường thì không thể đem lại thu nhập cao. Vì vậy, chính phủ Việt Nam cần phải phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành kinh tế một cách hiệu quả. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam còn non kém về tư duy lẫn năng lực do đó chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước Đông Á. Theo ông thì chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện.[171] Hơn nữa Việt Nam có quá nhiều hội thảo, hội nghị, báo cáo chung chung về những hạn chế của nền kinh tế nhưng có quá ít hành động để khắc phục những hạn chế này[108].

Giáo sư Trần Văn Thọ thuộc Đại học Waseda Tokyo cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa cả diện rộng và bề sâu, tăng năng suất bằng cách tái phân bổ nguồn lực, Đổi mới công nghệ và công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp; chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, từ các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày sang các ngành có giá trị gia tăng cao như điện tử, ô tô; xem nội lực có vai trò quyết định trong quá trình công nghiệp hóa, tăng quy mô doanh nghiệp tư nhân, nuôi dưỡng tư bản dân tộc, tăng năng lực xuất khẩu, đầu tư đổi mới thiết bị, tăng chất lượng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như tăng liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, chọn lựa đầu tư nước ngoài theo hướng chỉ khuyến khích những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng sản xuất. Ông cũng cảnh báo Việt Nam sắp kết thúc giai đoạn dân số vàng nhưng công nghiệp hóa còn ở mức sơ khai và mới chỉ tạo ra được những sản phẩm có giá trị thấp. Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa để nâng cao năng suất và tốc độ tăng trưởng tuy nhiên công nghiệp hóa của Việt Nam còn tiến triển chậm, có nguy cơ kết thúc sớm, lao động có xu hướng chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp.[172][173]

Học giả Gabriel Kolko thì bày tỏ sự hoài nghi, sau hơn 50 năm cầm quyền và kiên trì theo đuổi chủ nghĩa Marx, tới cuối thập niên 1980 Đảng Cộng sản Việt Nam mới khám phá ra họ đã "mắc lỗi" (error), như Đỗ Mười từng phát biểu năm 1994 rằng "việc xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn là điều mới mẻ với chúng ta... những ý tưởng của Lenin sẽ giúp tìm ra mô hình chuyển Đổi mới". Kolko cho rằng sự hi sinh của hàng triệu người để chống lại sự áp đặt của ngoại bang cuối cùng được thay bằng sự kêu gọi thu hút đầu tư từ Mỹ, Pháp, Nhật, những nước từng dày xéo Việt Nam. Ở lối rẽ này, Kolko cho rằng Việt Nam bị ảnh hưởng và chịu áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hơn là những kinh điển của Lenin.[174]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đổi Mới http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/1604... http://www.kas.de/wf/doc/kas_48064-1522-1-30.pdf?1... http://iussp2005.princeton.edu/papers/50294 http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/no-nu... http://www.econlib.org/library/Enc/Capitalism.html http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=764... http://blogs.worldbank.org/eastasiapacific/vi/viet... http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD... http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.PP... http://data.worldbank.org/indicator/NY.GNS.ICTR.ZS...